top of page

Có Nên Phẫu Thuật Bóc U Lạc Nội Mạc Tử Cung Buồng Trứng Ở Bệnh Nhân Vô Sinh?


Phẫu thuật là câu hỏi đầu tiên luôn được đặt ra ở bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng. Tuy nhiên, trải qua hơn 15 năm, với nhiều nghiên cứu được tiến hành, vai trò của phẫu thuật vẫn còn tranh cãi. Phẫu thuật vẫn còn được áp dụng khá rộng rãi hơn so với điều trị bảo tồn, đặc biệt là khi bệnh nhân đến khám phụ khoa vì triệu chứng đau vùng chậu. Tuy nhiên, biến chứng của phẫu thuật cần quan tâm là giảm dự trữ buồng trứng. Việc lấy đi u lạc nội mạc tử cung được một số tác giả cho rằng sẽ giúp giảm phản ứng viêm, cải thiện chất lượng noãn và tăng khả năng có thai. Một số nghiên cứu cho thấy vi môi trường của dịch nang lạc nội mạc tử cung có hại đến cấu trúc vẹn toàn và chức năng của noãn cũng như sự phát triển của phôi sau này. Ngược lại, các nghiên cứu khác lại không tìm thấy mối liên quan này.


Các chỉ định phẫu thuật có thể được đưa ra gồm: nghi ngờ u ác tính, đau quá mức chịu đựng, u quá to gây cản trở quá trình chọc hút noãn khi điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, và thất bại với các phương pháp điều trị khác. Bóc u lạc nội mạc tử cung hay dẫn lưu và đốt điện vỏ u lạc nội mạc tử cung đều có nguy cơ làm giảm dự trữ buồng trứng, do lấy đi mô lành buồng trứng trong quá trình bóc u hoặc tổn thương vỏ buồng trứng do đốt điện để cầm máu. Nếu phải phẫu thuật, bệnh nhân cần được tư vấn kỹ lưỡng về nguy cơ giảm dự trữ buồng trứng, thậm chí là mất hẳn buồng trứng và mãn kinh sớm. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần được tư vấn về bất lợi của phẫu thuật cũng như thụ tinh trong ống nghiệm. Với phẫu thuật, bên cạnh nguy cơ giảm dự trữ buồng trứng, các biến chứng của phẫu thuật như tái phát, tăng nguy cơ dính về sau cũng cần được thảo luận với bệnh nhân. Nếu không phẫu thuật, sẽ có nguy cơ chọc hút noãn khó khăn, giảm số noãn thu được nếu u to cản trở việc chọc hút, nguy cơ nhiễm trùng và đau. Không nên phẫu thuật nếu bệnh nhân không đau, lớn tuổi và dự trữ buồng trứng không tốt.



Phẫu thuật bóc u lạc nội mạc tử cung trước khi thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON)?


Phẫu thuật bóc u lạc nội mạc tử cung trước khi làm TTTON nhằm cải thiện kết cục của TTTON cũng còn được áp dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng, tuy nhiên, quan điểm này hoàn toàn không dựa trên bằng chứng lâm sàng. Nghiên cứu về ảnh hưởng của phẫu thuật bóc u lạc nội mạc tử cung cho thấy, những phụ nữ đã phẫu thuật có kết quả TTTON tương tự như những phụ nữ không phẫu thuật.


Nghiên cứu của Shahine và cộng sự (2009) cho thấy chất lượng phôi ngày 3 không được cải thiện sau khi bóc u, và kết quả TTTON sau bóc u cũng tương tự như trước khi bóc. Một phân tích gộp khác năm 2009 gồm 5 nghiên cứu so sánh phẫu thuật và không phẫu thuật trước khi làm TTTON cho thấy rằng không có sự khác biệt có ý nghĩa về thai lâm sàng giữa nhóm phẫu thuật và không phẫu thuật. Một tổng quan Cochrane cũng kết luận rằng phẫu thuật (hút dịch nang hoặc bóc u) không làm tăng tỉ lệ thai lâm sàng so với không can thiệp trước khi TTTON. Như vậy, hầu hết các dữ liệu hiện có cho thấy việc phẫu thuật bóc u lạc nội mạc tử cung không mang lại lợi ích gì cho TTTON.


Một số kết quả cho thấy can thiệp phẫu thuật có tác động xấu lên dự trữ buồng trứng, được cho là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến kết cục điều trị và khả năng sinh sản lâu dài về sau. Ngoài ra, cần biết rằng những bệnh nhân đã phẫu thuật bóc u sẽ cần tổng liều thuốc kích thích buồng trứng cao hơn để đạt được đáp ứng buồng trứng tương tự với nhóm không phẫu thuật hoặc sẽ có số noãn ít hơn. Ở những bệnh nhân chỉ phẫu thuật bóc u lạc nội mạc tử cung một bên, buồng trứng bên phẫu thuật sẽ cho noãn ít hơn so với bên còn lại. Trong một nghiên cứu của Demirol và cộng sự, những bệnh nhân đã phẫu thuật cần liều thuốc kích trứng cao hơn, thời gian kích thích buồng trứng dài hơn, thu được ít noãn hơn nhưng cuối cùng thì có kết cục TTTON tương tự với những phụ nữ còn u lạc nội mạc tử cung tại chỗ. Tỷ lệ hủy chu kỳ khi TTTON do đáp ứng kém ở trường hợp không bóc u lạc nội mạc tử cung thấp hơn (10,2%) so với trường hợp từng bóc u lạc nội mạc tử cung 1 bên (20,8%) và bóc u ở cả 2 bên buồng trứng (28,2%).


Tác giả: ThS. BS. Nguyễn Khánh Linh


Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần hỗ trợ, bạn có thể liên hệ với Phòng khám Phương Nghi thông qua số hotline hoặc nhắn tin trực tiếp tại fanpage để được tư vấn chi tiết nhé!

Tổng đài tư vấn & đặt lịch: 028 3620 3789

Địa chỉ: 41-43 Đường số 3, Cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3, TP.HCM

Thời gian thăm khám:

8h00 - 19h00 (Thứ hai - Thứ bảy)

8h00 - 11h00 (Chủ nhật)




bottom of page