1. Định nghĩa hiếm muộn
Hiếm muộn là tình trạng hai vợ chồng quan hệ thường xuyên, không dùng biện pháp tránh thai nào, nhưng sau 1 năm (đối với phụ nữ dưới 35 tuổi) hoặc sau 6 tháng (đối với phụ nữ trên 35 tuổi) mà vẫn không thụ thai.
Hiếm muộn nguyên phát là tình trạng người vợ chưa từng có thai trước đó bao giờ. Ngược lại, hiếm muộn thứ phát là khi người vợ đã từng có thai hoặc có con trước đó.
Tỉ lệ hiếm muộn hiện nay vào khoảng 10%. Hiếm muộn là một tình trạng phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ ai, có thể do nguyên nhân di truyền hoặc mắc phải. Nếu bạn có thời gian mong con đủ tiêu chuẩn như trên, hai vợ chồng nên cùng đi khám hiếm muộn. Không nên mang tâm lý mặc cảm, ngại ngùng vì đây là bệnh lý khá phổ biến. Việc đi khám sớm còn giúp cho việc điều trị dễ thành công hơn.
2. Khi nào nên đi khám hiếm muộn?
Khi có một trong các dấu hiệu sau, hai vợ chồng bạn nên đi khám hiếm muộn sớm để xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị thích hợp.
Sau 1 năm (đối với phụ nữ dưới 35 tuổi) hoặc sau 6 tháng (đối với phụ nữ trên 35 tuổi) mong con, không dùng biện pháp tránh thai nào mà vẫn chưa có thai.
Có các triệu chứng nghi ngờ mắc các bệnh lý ảnh hưởng khả năng sinh sản: nữ (kinh nguyệt không đều, vô kinh, rậm lông, nổi mụn trứng cá nhiều, dễ béo phì, đau bụng khi hành kinh dữ dội, ngực chảy sữa), nam (tinh hoàn nhỏ, rối loạn xuất tinh, rối loạn cương).
Đã từng hoặc đang mắc các bệnh có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản: nữ (u buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, nhân xơ tử cung, polyp tử cung, viêm phần phụ, abces ống dẫn trứng), nam (quai bị, viêm tinh hoàn, chấn thương vùng sinh dục).
3. Nên đi khám hiếm muộn vào thời điểm nào của chu kỳ kinh?
Có thể đi khám vào bất kỳ thời điểm nào của chu kỳ kinh. Tuy nhiên, thời điểm khám tốt nhất là khi vừa sạch kinh. Thời điểm này có thể làm hầu hết các xét nghiệm khảo sát khả năng sinh sản, gồm dự trữ buồng trứng, siêu âm tử cung buồng trứng, khảo sát tình trạng thông của ống dẫn trứng.
Ngoài ra, nếu bạn muốn vừa khám vừa bắt tay vào điều trị luôn, thì vừa sạch kinh chính là thời điểm thích hợp nhất để làm điều này. Nếu kinh nguyệt không đều hoặc kinh đều nhưng bạn không muốn chờ đợi đến ngày sạch kinh, thì bạn có thể đi khám vào ngày thuận tiện với bạn mà không cần canh ngày kinh. Đối với người chồng, nên kiêng xuất tinh 2-7 ngày trước khi xét nghiệm tinh dịch đồ.
4. Nên đi khám cả 2 vợ chồng
Vô sinh có thể do nguyên nhân từ CẢ HAI vợ chồng, vì vậy, cả hai vợ chồng nên đi khám chung để có thể khảo sát tổng thể các nguyên nhân có thể có, tránh tâm lý đổ lỗi cho một phía hoặc bỏ sót nguyên nhân. Đi khám cùng nhau để cùng nghe bác sĩ tư vấn, như vậy hai vợ chồng sẽ nắm bắt rõ hơn hành trình điều trị và tuân thủ điều trị tốt hơn, thực hiện chỉ định chính xác của bác sĩ, tăng khả năng thành công.
Việc đi khám cùng nhau còn giúp tăng sự gắn kết giữa hai vợ chồng, để cùng đồng hành điều trị, nâng đỡ tinh thần cho nhau và sẽ dễ thành công hơn.
Tác giả: ThS. BS. Nguyễn Khánh Linh
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần hỗ trợ, bạn có thể liên hệ với Phòng khám Phương Nghi thông qua số hotline hoặc nhắn tin trực tiếp tại fanpage để được tư vấn chi tiết nhé!
Tổng đài tư vấn & đặt lịch: 028 3620 3789
Địa chỉ: 41-43 Đường số 3, Cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3, TP.HCM
Thời gian thăm khám:
8h00 - 19h00 (Thứ hai - Thứ bảy) 8h00 - 11h00 (Chủ nhật)
Website: www.pkphuongnghi.vn