top of page

Thất Bại Làm Tổ Nhiều Lần: Nguyên Nhân Do Phôi

Updated: Oct 9, 2023


(Hình minh họa)


Bất thường nhiễm sắc thể bố mẹ

Những cặp vợ chồng bị thất bại làm tổ nên được xét nghiệm di truyền để loại trừ bất thường nhiễm sắc thể. Bệnh nhân mang chuyển đoạn nhiễm sắc thể cân bằng có thể tạo ra những giao tử mang bất thường nhiễm sắc thể, làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, từ việc tạo giao tử bất thường (Crosignani và Rubin, 1982) cho đến sẩy thai liên tiếp (Campana và cs, 1986). Stern và cs (1999) nhận thấy có khoảng 2,5% cặp vợ chồng có tiền sử thất bại TTTON không rõ nguyên nhân có mang chuyển đoạn nhiễm sắc thể cân bằng, tỉ lệ này cao hơn so với dân số chung. Một nghiên cứu khác của Raziel và cộng sự (2002) xác định bất thường nhiễm sắc thể xảy ra nhiều hơn ở những bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần và khuyến cáo nên thực hiện nhiễm sắc thể đồ trên nhóm bệnh nhân này. Nếu phát hiện bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể qua nhiễm sắc thể đồ, xét nghiệm di truyền tiền làm tổ có thể được áp dụng. Bên cạnh vấn đề di truyền, thượng di truyền cũng ngày càng được quan tâm ở những trường hợp thất bại làm tổ nhiều lần.

(Hình minh họa)


Bất thường tinh trùng

Xét nghiệm đứt gãy DNA tinh trùng (DNA fragmentation) và sự đóng gói chromatin bất thường có thể được thực hiện, mặc dù đứt gãy DNA tinh trùng dường như có mối liên quan nhiều hơn với sẩy thai liên tiếp hơn là thất bại làm tổ. Xét nghiệm này cũng nên được thực hiện ở những bệnh nhân có các thông số tinh dịch đồ bình thường. Nếu có bất thường tế bào tinh trùng, có thể cân nhắc thực hiện kỹ thuật IMSI (lựa chọn tinh trùng dựa trên hình thái để tiêm vào bào tương noãn – intracytoplasmic morphologically selected sperm injection). Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên tiến cứu gần đây, Balaban và cộng sự (2011) báo cáo tỉ lệ làm tổ và thai lâm sàng của IMSI cao hơn so với ICSI.

(Hình minh họa)


Bất thường noãn

Chất lượng noãn có liên quan mật thiết với tuổi tác, 1 trong các yếu tố nguy cơ của thất bại làm tổ liên tiếp đã được phân tích ở trên. Bên cạnh đó, hiện nay người ta thấy rằng các tế bào cumulus cũng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình làm tổ của phôi. Khối cumulus-oophorus cấu tạo từ các tế bào hạt và noãn từ giai đoạn nang có hốc, đến lúc thụ tinh và cho đến giai đoạn phát triển sớm của phôi (Hernandez-Gonzalez và cs, 2006; Motta và cs, 1995a). Các tế bào cumulus là nguồn sản xuất prostaglandin và các yếu tố tạo mạch, có thể đóng vai trò trong sự tân sinh mạch máu tại vị trí làm tổ. Sự biểu hiện gen của tế bào cumulus dường như có tương quan với chất lượng noãn, khả năng phát triển của phôi và kết cục thai kỳ (Assou và cs, 2010). Một thử nghiệm ngẫu nhiên tiến cứu gần đây cho thấy rằng việc nuôi cấy phôi với các tế bào cumulus có thể cải thiện tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai ở những phụ nữ bị thất bại làm tổ nhiều lần so với nuôi cấy cổ điển không có tế bào cumulus (Benkhalifa và cs, 2012).


Tác giả: ThS. BS. Nguyễn Khánh Linh


Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần hỗ trợ, bạn có thể liên hệ với Phòng khám Phương Nghi thông qua số hotline hoặc nhắn tin trực tiếp tại fanpage để được tư vấn chi tiết nhé!

Tổng đài tư vấn & đặt lịch: 028 3620 3789

Địa chỉ: 41-43 Đường số 3, Cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3, TP.HCM

Thời gian thăm khám:

8h00 - 19h00 (Thứ hai - Thứ bảy)

8h00 - 11h00 (Chủ nhật)



bottom of page