Ứ dịch ống dẫn trứng
Ứ dịch ống dẫn trứng đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu là làm giảm tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ sinh sống của thụ tinh trong ống nghiệm. Phẫu thuật cắt hoặc kẹp ống dẫn trứng bị ứ dịch giúp cải thiện kết cục của thụ tinh trong ống nghiệm so với nhóm không được can thiệp. Vì vậy, đứng trước một bệnh nhân bị thất bại làm tổ nhiều lần, cần chú ý xem bệnh nhân đã được chụp cản quang buồng tử cung ống dẫn trứng (HSG) chưa. Trong trường hợp nghi ngờ có tổn thương ống dẫn trứng trên HSG, nội soi buồng tử cung ổ bụng là giải pháp tốt nhất để chẩn đoán và xử trí.
Bệnh lý tăng đông
Ở những trường hợp sẩy thai liên tiếp, BN được tư vấn tầm soát các bệnh lý tăng đông, cũng như các bệnh lý mô liên kết có liên quan đến kháng thể antiphospholipid. Tuy nhiên, bệnh lý tăng đông và hội chứng kháng phospholipid cũng có thể liên quan đến nguy cơ thất bại làm tổ nhiều lần (Azem và cs, 2004; Grandone và cs, 2001). Một khi được phát hiện, BN cần được tư vấn với BS huyết học và chuyên gia về bệnh lý mô liên kết, và khuyến cáo điều trị với heparin trọng lượng phân tử thấp. Khi BN chỉ có bệnh lý tăng đông, việc điều trị với heparin trọng lượng phân tử thấp dường như đã đủ và giúp cải thiện kết cục TTTON (Bohlmann, 2011; Qublan và cs, 2008). Tuy nhiên, với hội chứng kháng phospholipid, có thể xem xét điều trị đồng thời với aspirin liều thấp và/hoặc corticosteroids. Liệu pháp heparin nên được khởi đầu vào giai đoạn sớm của kích thích buồng trứng hoặc từ ngày chuyển phôi (Simon 2012). Những BN không có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị huyết khối, hoặc đã điều trị nhiều chu kỳ TTTON không biến chứng, có thể được cân nhắc sử dụng heparin liều thấp từ ngày chuyển phôi. Những bệnh nhân bị hội chứng kháng phospholipid, hoặc có tiền sử bệnh lý gây tăng đông, nên bắt đầu liệu pháp kháng đông cùng lúc với thời điểm sử dụng gonadotropin. Liệu pháp kháng đông cần được ngưng 24 giờ trước khi chọc hút noãn và khởi động lại 1 ngày sau chọc hút noãn. Điều trị theo kinh nghiệm với heparin trọng lượng phân tử thấp, aspirin hoặc corticosteroid không cho thấy có hiệu quả, và không nên được chỉ định cho những bệnh nhân bị thất bại làm tổ nhưng có kết quả xét nghiệm âm tính (Seshadri và cs, 2011; Berker và cs, 2011).
Yếu tố miễn dịch
Nếu tất cả các xét nghiệm tầm soát đều bình thường, có thể nghĩ đến nguyên nhân miễn dịch. Trước tiên có thể thực hiện xét nghiệm kiểm tra sự hiện diện của phản ứng miễn dịch sau khi kiểm tra chéo giữa huyết thanh và tế bào lympho của cặp vợ chồng. Nếu không có phản ứng, hệ miễn dịch của mẹ rõ ràng là không đáp ứng với các thành phần kháng nguyên của người cha. Điều này có thể do sự tương đồng về thành phần HLA của cặp vợ chồng. Trong những trường hợp này, sự tương đồng về alen tương hợp HLA nhóm 1 và 2 có thể được khảo sát. Sự tương đồng về HLA được báo cáo là có liên quan chủ yếu với sẩy thai liên tiếp. Tuy nhiên, nó cũng có thể can thiệp đến quá trình làm tổ, vì sự bất tương đồng HLA rất quan trọng trong giai đoạn rất sớm của tiến trình làm tổ, mà hệ thống miễn dịch chủ yếu đóng vai trò chính. Nếu sự tương đồng này được phát hiện, immunoglobulin liều cao tiêm tĩnh mạch có thể được sử dụng trước khi chuyển phôi (Elram và cs, 2005), thêm một liều vào lúc có tim thai khoảng 6 tuần.
Tác giả: ThS. BS. Nguyễn Khánh Linh
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần hỗ trợ, bạn có thể liên hệ với Phòng khám Phương Nghi thông qua số hotline hoặc nhắn tin trực tiếp tại fanpage để được tư vấn chi tiết nhé!
Tổng đài tư vấn & đặt lịch: 028 3620 3789
Địa chỉ: 41-43 Đường số 3, Cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3, TP.HCM
Thời gian thăm khám:
8h00 - 19h00 (Thứ hai - Thứ bảy)
8h00 - 11h00 (Chủ nhật)
Website: www.pkphuongnghi.vn