top of page

Thất Bại Làm Tổ Nhiều Lần – Tần Suất Và Yếu Tố Nguy Cơ

Updated: Oct 9, 2023


(Hình minh họa)


Tần suất:

Do khác nhau về định nghĩa thất bại làm tổ nhiều lần lẫn định nghĩa về thai sinh hoá, hiện có rất ít dữ liệu về tần suất chính xác của thất bại làm tổ nhiều lần sau hỗ trợ sinh sản. Trong dân số chung gồm cả thai tự nhiên lẫn thai sau hỗ trợ sinh sản, tỉ lệ thai sinh hoá chiếm khoảng 8-33% (Maesawa Y et al, 2015). Với thai tự nhiên, khoảng 30% thai kỳ bị sảy trước khi làm tổ và 10% sảy trước khi có thai lâm sàng (Larsen EC et al, 2013).

(Hình minh họa)


Các yếu tố nguy cơ:

Một số yếu tố không phải là nguyên nhân chính gây thất bại làm tổ liên tiếp, nhưng được xem là yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ thất bại làm tổ. Các yếu tố này bao gồm tuổi mẹ, BMI và hút thuốc lá.


Tuổi mẹ tăng có liên quan đến tăng khả năng noãn phân chia bất thường, dẫn đến phôi lệch bội, thất bại làm tổ hoặc sảy thai sau đó, giảm tỉ lệ sinh sống và tăng nguy cơ thai bất thường bẩm sinh. Shapiro và cộng sự (2016) nhận thấy tỉ lệ làm tổ tính trên mỗi lần chuyển phôi nang thấp hơn ở những phụ nữ từ 35 tuổi trở lên (24,5 36,8) so với phụ nữ dưới 35 tuổi (41,4 42,1), tỉ lệ thai sinh hoá cũng cao hơn ở nhóm phụ nữ trên 35 tuổi. Tỉ lệ sinh sống cũng cao hơn có ý nghĩa ở phụ nữ trẻ dưới 35 tuổi (50,7%) so với phụ nữ trên 35 tuổi (28,5%). Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cũng báo cáo tỉ lệ làm tổ ở phụ nữ < 35 tuổi (lần lượt là 41,3% và 47,1% đối với phôi tươi và phôi trữ) cũng cao hơn đáng kể so với phụ nữ > 44 tuổi (1,9% và 16,2% với phôi tươi và phôi trữ).


Một số nghiên cứu (Orvieto R et al, 2009; Moragianni VA et al, 2012) cho thấy BMI tăng > 25 kg/m2 có ảnh hưởng xấu đến tỉ lệ làm tổ. Ở những bệnh nhân thực hiện TTTON, bệnh nhân béo phì độ I, II, III (> 30 kg/m2) có nguy cơ thất bại làm tổ cao nhất với tỉ số nguy cơ tương ứng là 0,69 (0,53–0,90), 0,52 (0,36–0,74) và 0,58 (0,35–0,96). Nhóm bệnh nhân béo phì độ III (> 40 kg/m2) cũng có tỉ lệ sảy thai cao nhất (trong đó bao gồm thai sinh hoá).


Ảnh hưởng của thuốc lá lên khả năng sinh sản đã được quan sát thấy ở một số nghiên cứu, nhưng mức độ ảnh hưởng khó được phân tích cụ thể do việc thu thập dữ liệu chủ yếu dựa vào việc bệnh nhân tự khai là chính. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ sảy thai có ý nghĩa thống kê ở bệnh nhân có thai sau hỗ trợ sinh sản (Waylen, 2009). Độc tố trong thuốc lá có thể ảnh hưởng đến sự hình thành hoàng thể và sự làm tổ của phôi (Cnattingius, 2004). Fuentes và cộng sự (2010) cũng cho thấy những phụ nữ hút thuốc lá có nồng độ cotinine (chất chuyển hóa của nicotine) cao hơn sẽ thu được ít noãn hơn. Ngoài ra, những bệnh nhân hút thuốc lá cũng có tỉ lệ thai và tỉ lệ sinh sống giảm, điều này cho thấy ảnh hưởng xấu của hút thuốc lá lên kết cục thai kỳ (Cnattingius, 2004; Waylen, 2009). Mẹ hút thuốc lá cũng có liên quan đến sảy thai tự phát với bộ nhiễm sắc thể của thai bình thường, gợi ý ảnh hưởng độc hại của carbon monoxide và nicotine có thể là yếu tố chính. Carbon monoxide có thể làm giảm nồng độ oxy tới thai, và nicotine có thể dẫn đến sự co thắt mạch máu và giảm nồng độ chất dinh dưỡng đến thai (Anblagan và cs, 2013).


Tác giả: ThS. BS. Nguyễn Khánh Linh


Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần hỗ trợ, bạn có thể liên hệ với Phòng khám Phương Nghi thông qua số hotline hoặc nhắn tin trực tiếp tại fanpage để được tư vấn chi tiết nhé!

Tổng đài tư vấn & đặt lịch: 028 3620 3789

Địa chỉ: 41-43 Đường số 3, Cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3, TP.HCM

Thời gian thăm khám:

8h00 - 19h00 (Thứ hai - Thứ bảy)

8h00 - 11h00 (Chủ nhật)





bottom of page