top of page

Thất Bại Làm Tổ Nhiều Lần - Định Nghĩa


Thất bại làm tổ nhiều lần là một trong những bệnh cảnh khó xử trí của các chuyên viên hỗ trợ sinh sản. Mặc dù hỗ trợ sinh sản đã có nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây, với nhiều kỹ thuật mới như chẩn đoán di truyền tiền làm tổ, theo dõi hình ảnh phôi liên tục time-lapse, giúp tăng tỉ lệ thai và tỉ lệ sinh sống, vẫn còn nhiều trường hợp chuyển phôi nhiều lần thất bại gây căng thẳng áp lực cho bệnh nhân lẫn đội ngũ điều trị.


Làm tổ là một quá trình phôi vùi vào nội mạc tử cung và phát triển thành thai. Trong thực hành lâm sàng, làm tổ được xem là thành công khi thấy được hình ảnh túi thai (trong hoặc ngoài tử cung) trên siêu âm. Như vậy, thất bại làm tổ nghĩa là phôi không đạt đến được giai đoạn hình thành túi thai trên siêu âm.


Điều này có thể xảy ra vào giai đoạn rất sớm, từ giai đoạn di chuyển của phôi và bám dính vào nội mạc tử cung, và hậu quả là không có thai. Hoặc sự thất bại làm tổ này có thể xảy ra muộn hơn, sau khi phôi đã xâm nhập vào lớp biểu mô bề mặt của nội mạc tử cung và đã có thể phát hiện được beta hCG trong nước tiểu hoặc máu, nhưng tiến trình làm tổ tiếp theo bị gián đoạn (thai sinh hoá). Như vậy, thất bại làm tổ bao gồm cả hai trường hợp là thử beta hCG âm tính, hoặc beta hCG dương tính nhưng không có hình ảnh túi thai trên siêu âm (thai sinh hoá). Thai sinh hoá cũng có định nghĩa khác nhau giữa các tác giả. Ngưỡng beta hCG để chẩn đoán có thai có thể > 5 mIU/ml hoặc > 25 mIU/ml. Một số tác giả lại yêu cầu phải có 2 lần xét nghiệm beta hCG và lần 2 tăng hơn so với lần đầu thì mới chẩn đoán thai sinh hoá (Coulam CB và Roussey R, 2002).


Cần phân biệt giữa TTTON thất bại với thất bại làm tổ nhiều lần. TTTON thất bại (IVF failure) có thể do nhiều nguyên nhân như huỷ chu kỳ kích thích buồng trứng, đáp ứng kém với kích thích buồng trứng, không phôi do thất bại thụ tinh hoàn toàn, thất bại làm tổ hoặc sảy thai lâm sàng. Thất bại làm tổ chỉ là một nguyên nhân của TTTON thất bại.


Định nghĩa của thất bại làm tổ nhiều lần có nguồn gốc từ thực hành lâm sàng, do đó định nghĩa này bị thay đổi qua nhiều thời kỳ. Các tiêu chuẩn chẩn đoán vì vậy cũng thay đổi: từ số lượng phôi chuyển cộng dồn, chất lượng phôi, đến số lượng chu kỳ TTTON, tuổi mẹ và các yếu tố khác (như giai đoạn của phôi là giai đoạn phân chia hay phôi nang). Hầu hết các tác giả chú trọng đến 2 tiêu chuẩn chính là số chu kỳ chuyển phôi và số phôi chất lượng tốt được chuyển. Số chu kỳ chuyển phôi đa phần được chọn là 3 chu kỳ (ESHRE PGD Consortium 2005; Simon A và Laufer N, 2012; Coughlan và cs, 2014; Zeyneloglu và cs, 2014; Orvieto và cộng sự, 2015). Về số phôi chuyển chất lượng tốt, một số tác giả đề nghị đến mốc 10 phôi chuyển (ESHRE PGD Consortium 2005; Tan và cs; 2005) hoặc 12 phôi chuyển chất lượng tốt (Coulam, 1995). Ở thái cực hoàn toàn trái ngược, Zeyneloglu (2014) chỉ đặt tiêu chí là ít nhất 2 phôi chất lượng tốt, còn Simon A và Laufer N (2012) thì chỉ cần có 1 đến 2 phôi chất lượng tốt được chuyển trong 3 chu kỳ. Sự khác biệt lớn về số phôi chuyển giữa các tác giả có thể do sự khác nhau về giai đoạn phát triển của phôi được chuyển ở mỗi trung tâm. Tuy nhiên, đa phần các tác giả không đưa giai đoạn phát triển của phôi và các yếu tố khác vào định nghĩa, trong khi đó Rinehart (2007) phân biệt rõ tiêu chí số phôi chất lượng tốt tuỳ theo giai đoạn phát triển của phôi (8 phôi nếu là phôi giai đoạn phân chia 8 tế bào và 5 phôi nếu bệnh nhân được chuyển phôi nang).


Định nghĩa thất bại làm tổ nhiều lần được sử dụng khá phổ biến hiện nay là của nhóm Coughlan và cộng sự (2014), trong đó tác giả chú trọng đến yếu tố tuổi tác của bệnh nhân: “Không có thai lâm sàng sau khi đã chuyển ít nhất 4 phôi chất lượng tốt trong ít nhất 3 chu kỳ chuyển phôi tươi hoặc trữ ở một phụ nữ dưới 40 tuổi.”


Tác giả: ThS. BS. Nguyễn Khánh Linh


Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần hỗ trợ, bạn có thể liên hệ với Phòng khám Phương Nghi thông qua số hotline hoặc nhắn tin trực tiếp tại fanpage để được tư vấn chi tiết nhé!

Tổng đài tư vấn & đặt lịch: 028 3620 3789

Địa chỉ: 41-43 Đường số 3, Cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3, TP.HCM

Thời gian thăm khám:

8h00 - 19h00 (Thứ hai - Thứ bảy)

8h00 - 11h00 (Chủ nhật)



bottom of page