top of page

Trữ Lạnh Noãn Trưởng Thành

Updated: Oct 9, 2023


(Hình minh họa)


Trữ lạnh noãn trưởng thành (noãn giai đoạn MII)


Noãn trưởng thành là noãn đủ khả năng thụ tinh với tinh trùng và tạo thành phôi. Trữ lạnh noãn trưởng thành (MII) hiện được khuyến cáo là lựa chọn hàng đầu. Hiện nay, trữ lạnh noãn MII bằng phương pháp đông lạnh thủy tinh hóa đã được chứng minh có hiệu quả tương đương với noãn tươi khi đánh giá kết cục của thụ tinh trong ống nghiệm.


Để thu hoạch được noãn trưởng thành và tiến hành trữ lạnh, bệnh nhân sẽ được trải qua quá trình kích thích buồng trứng để có nhiều nang trứng phát triển, sau đó bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc gây trưởng thành noãn và chọc hút noãn ra ngoài. Thời gian kích thích buồng trứng trung bình là 7-10 ngày. Sau khi tiêm thuốc trưởng thành noãn, bệnh nhân sẽ được chọc hút noãn khoảng 34-40 giờ sau. Noãn chọc hút được sẽ được tiến hành trữ lạnh. Tổng thời gian cho một chu kỳ điều trị là khoảng 2 tuần.


Tại Tây Ban Nha, Cobo và cộng sự (2011) báo cáo tỉ lệ sống của noãn sau rã với phương pháp thuỷ tinh hoá là 97%, tỉ lệ thụ tinh, phân chia và hình thành phôi nang lần lượt là 76%, 94% và 49%. Tỉ lệ thai đạt 65% và sẩy thai là 20%. Nhóm Tây Ban Nha là đơn vị thụ tinh trong ống nghiệm lớn nhất Châu Âu và đã sử dụng phương pháp thuỷ tinh hoá trong chương trình cho nhận noãn. Chỉ riêng nhóm này đã cho ra đời hơn 1000 trẻ khoẻ mạnh từ noãn đông lạnh.


Dự báo tỉ lệ sinh sống theo tuổi và số noãn trữ MII


Nghiên cứu của Cobo và cộng sự năm 2015 giúp xác định tỉ lệ sinh sống cộng dồn theo tuổi và theo số noãn trữ lạnh. Theo đó, để đạt tỉ lệ sinh sống cao, một phụ nữ £ 35 tuổi sẽ cần khoảng 15 noãn, từ 36-37 tuổi cần 16 noãn, 38-39 tuổi cần 18 noãn nhưng nếu từ 40 tuổi trở lên thì cần đến 55 noãn. Nếu chỉ căn cứ theo số noãn, nghiên cứu này ước tính tỉ lệ sinh sống cộng dồn sẽ đạt 39% nếu có khoảng 10 noãn, 67,5% với 15 noãn, 80% nếu có 20 noãn và 95,5% nếu có 40 noãn. Trong khoảng 5-10 noãn, mỗi noãn thu hoạch được thêm sẽ tăng tỉ lệ sinh sống lên 3,9%, tỉ lệ này sẽ là 5,6% trong khoảng 10-15 noãn, nhưng chỉ tăng nhẹ từ 1 đến 2,6% ở khoảng 15 noãn trở lên.


Các nhà nghiên cứu người Mỹ (Goldman và cộng sự, 2017) đã xây dựng một phương trình nhằm dự đoán số noãn trưởng thành cần thu nhận dựa trên tuổi lúc trữ lạnh và tỉ lệ sinh sống thành công. Phương trình này được xây dựng dựa trên 520 chu kỳ điều trị ICSI tại chỗ từ tháng 01/2011 đến tháng 03/2015 của các phụ nữ có dự trữ buồng trứng bình thường và 14.500 phôi được sinh thiết của một lab xét nghiệm bên ngoài. Để có thể thiết lập phương trình dự đoán này, một số giả định được đặt ra gồm: tỉ lệ noãn sống sau rã là 95% đối với phụ nữ < 36 tuổi và phụ nữ cho noãn, và tỉ lệ này còn 85% đối với phụ nữ ³ 36 tuổi, tỉ lệ sinh sống đối với 1 phôi nang nguyên bội là 60%.


Công thức ước tính tỉ lệ sinh sống dựa trên số noãn trưởng thành và tuổi bệnh nhân:


p (sinh sống) = 1 – (1 – 0,6 * p(phôi nguyên bội) * p(phôi nang))số noãn trưởng thành

Trong đó, p(phôi nang) và p(phôi nguyên bội) được tính dựa vào tuổi bệnh nhân và số noãn thu được.


Công thức ước tính trên có thể được biểu đồ hoá theo hình sau:


Hình trên cho thấy ở phụ nữ trẻ dưới 35 tuổi, xác suất sinh ít nhất 1 con sống sẽ khoảng 80% nếu người đó có 15 noãn và 90% nếu người đó có 20 noãn. Đối với bệnh nhân ³ 40 tuổi, cần ít nhất 30 noãn để đạt tỉ lệ sinh sống từ 20% đến 65%. Với người 44 tuổi, xác suất sinh sống tối đa cũng chỉ đạt 55% khi người đó có thể trữ lạnh dự phòng 100 noãn.


Sức khoẻ trẻ từ noãn trữ lạnh MII

Một tổng quan dữ liệu hồi cứu (Noyes và cộng sự, 2009) gồm 58 báo cáo từ năm 1986 đến năm 2008 trên 609 trẻ sinh sống từ noãn trữ lạnh, trong đó có 308 trẻ từ kỹ thuật đông lạnh chậm, 289 trẻ từ kỹ thuật thuỷ tinh hoá và 12 trẻ từ cả hai kỹ thuật. Thêm vào đó, có 327 trẻ sinh sống khác cũng được xác định. Trong số tổng cộng 936 trẻ sinh sống, có 1,3% (12 trẻ) có bất thường khi sinh: 3 trẻ khiếm khuyết vách liên thất, 1 trẻ hẹp mũi sau, 1 trẻ hẹp đường mật, 1 trẻ bị hội chứng Rubinstein-Taybi, 1 trẻ bị hội chứng Arnold-Chiari, 1 trẻ hở hàm ếch, 3 trẻ bị bàn chân khoèo và 1 trẻ bị u máu ở da.

So với các bất thường bẩm sinh ở trẻ từ thai tự nhiên, không có khác biệt nào được ghi nhận. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh (CDC), bất thường bẩm sinh liên quan đến gen hoặc cấu trúc nặng xảy ra khoảng 3% trong số trẻ sinh sống tại Hoa Kỳ (Hoyert và cộng sự, 2006).

Một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trên cỡ mẫu rất lớn được thực hiện bởi Cobo và cộng sự (2014) đánh giá kết cục sản khoa và sơ sinh của các trẻ sinh ra từ noãn trữ lạnh so với noãn tươi. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 01/2007 đến tháng 05/2012 trên 2281 trẻ sơ sinh từ 1823 ca sinh, trong đó có 1224 trẻ sinh từ noãn tươi và 1027 trẻ sinh từ noãn trữ lạnh.

Về kết cục sản khoa, nhóm noãn trữ lạnh có kết cục tương đương với nhóm sử dụng noãn tươi ở hầu hết các kết cục quan trọng như đái tháo đường, tăng huyết áp thai kỳ, xuất huyết ba tháng giữa và cuối của thai kỳ, sinh non, tuổi thai trung bình lúc sinh và biến chứng sau sinh. Các kết cục sơ sinh khác, như cân nặng và chiều cao lúc sinh, chỉ số apgar, tử vong chu sinh, nhập hồi sức sơ sinh,... cũng không có sự khác biệt, ngoại trừ tỉ lệ sinh bé gái có phần cao hơn trong nhóm noãn trữ lạnh (p < 0,003).

(Hình minh họa)


Tác giả: ThS. BS. Nguyễn Khánh Linh


Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần hỗ trợ, bạn có thể liên hệ với Phòng khám Phương Nghi thông qua số hotline hoặc nhắn tin trực tiếp tại fanpage để được tư vấn chi tiết nhé!

Tổng đài tư vấn & đặt lịch: 028 3620 3789

Địa chỉ: 41-43 Đường số 3, Cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3, TP.HCM

Thời gian thăm khám:

8h00 - 19h00 (Thứ hai - Thứ bảy)

8h00 - 11h00 (Chủ nhật)



bottom of page