top of page

Điều Trị Hiếm Muộn Ở Bệnh Nhân Có U Lạc Nội Mạc Tử Cung Ở Buồng Trứng

(Các Phương Pháp Không Phẫu Thuật)

Kích thích buồng trứng kết hợp bơm tinh trùng vào buồng tử cung

  • Kích thích buồng trứng (KTBT) kết hợp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) là phương pháp được áp dụng phổ biến cho nhiều nguyên nhân vô sinh. Tuy nhiên, cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định rõ là phương pháp này có phù hợp cho những bệnh nhân (BN) bị lạc nội mạc tử cung (LNMTC) nói chung hay không.

  • Hiện chưa có nghiên cứu nào đánh giá riêng biệt hiệu quả của KTBT kết hợp IUI trên nhóm BN bị u LNMTC ở buồng trứng đơn thuần. Có nghiên cứu cho thấy khả năng có thai tăng khi kết hợp Clomiphene citrate và IUI. Tuy nhiên, nghiên cứu khác lại không cho thấy hiệu quả của điều trị này trong vòng 6 tháng.

  • Một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ thai lần lượt là 6,5%, 11,8% và 15,3% ở nhóm vô sinh do LNMTC, vô sinh nam và vô sinh không rõ nguyên nhân. Một nghiên cứu khác cũng báo cáo tỉ lệ thai ở nhóm LNMTC chỉ là 16,3%, so với 33,6% ở nhóm vô sinh không rõ nguyên nhân.

  • Trong một phân tích tổng hợp dữ liệu lớn, tỉ lệ thai sau IUI ở BN LNMTC giảm một nửa so với nhóm không LNMTC. Tuy nhiên, IUI giúp đạt tỉ lệ sinh sống là 11% so với nhóm không điều trị chỉ là 2%.

  • Gần đây nhất, một nghiên cứu trên 259 chu kỳ IUI lại không tìm thấy sự khác biệt về tỉ lệ có thai và tỉ lệ sinh sống cộng dồn giữa nhóm LNMTC tối thiểu và nhẹ đã được điều trị bằng phẫu thuật so với nhóm vô sinh không rõ nguyên nhân. Kết quả này gợi ý phẫu thuật LNMTC tối thiểu và nhẹ dường như làm tăng kết cục khi điều trị KTBT và IUI.

Thụ tinh trong ống nghiệm:

  • Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) được chỉ định điều trị cho bệnh nhân có u LNMTC ở buồng trứng khi bệnh nhân có các nguyên nhân khác cần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (bệnh nhân lớn tuổi, vô sinh nam, tắc ống dẫn trứng, …) hoặc khi IUI nhiều chu kỳ thất bại.

  • Một nghiên cứu phân tích 428 chu kỳ TTTON lần đầu tiên, trong đó 254 phụ nữ có tiền sử từng bị hoặc đang bị u LNMTC ở buồng trứng. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ bị LNMTC có tỉ lệ huỷ chu kỳ điều trị cao hơn, nhưng tỉ lệ thai và sinh sống thì tương tự với những phụ nữ vô sinh do ống dẫn trứng. Kết quả nghiên cứu này cho thấy u LNMTC không làm giảm kết cục của TTTON so với nguyên nhân do ống dẫn trứng.

  • Một nhóm nghiên cứu gồm 10 bệnh viện đại học ở Nhật cho thấy không có sự khác biệt về tỉ lệ thụ tinh, phân chia và kết cục thai giữa nhóm có LNMTC và vô sinh do ống dẫn trứng. So với các khối u lành tính ở buồng trứng khác, u LNMTC không ảnh hưởng đến tỉ lệ thai của thụ tinh trong ống nghiệm.

  • Sự hiện diện của u LNMTC không ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh sống của TTTON. Tuy nhiên, những phụ nữ bị u LNMTC có số noãn thu được thấp hơn trong 1 chu kỳ và tỉ lệ huỷ chu kỳ điều trị cao hơn. Do đó, tỉ lệ sinh sống cộng dồn thấp hơn.

Nói tóm lại, các chứng cứ hiện tại cho thấy, u LNMTC ở buồng trứng dường như không ảnh hưởng đến tỉ lệ thụ tinh, chất lượng phôi và tỉ lệ sinh sống của thụ tinh trong ống nghiệm, tuy nhiên, tỉ lệ huỷ chu kỳ điều trị cao hơn, số noãn thu được thấp hơn khiến tỉ lệ sinh sống cộng dồn bị giảm so với nhóm không có u LNMTC.


Các phương pháp điều trị khác:

Các chứng cứ hiện tại không cho thấy hiệu quả của các phương pháp điều trị khác (liệu pháp nội tiết, nội tiết bổ trợ trước và sau bóc u, châm cứu, thảo dược) đối với bệnh nhân vô sinh bị u LNMTC ở buồng trứng, do đó hiện nay không được khuyến cáo (Hội Sinh sản và Phôi học người Châu Âu 2013).


Tác giả: ThS. BS. Nguyễn Khánh Linh



Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần hỗ trợ, bạn có thể liên hệ với Phòng khám Phương Nghi thông qua số hotline hoặc nhắn tin trực tiếp tại fanpage để được tư vấn chi tiết nhé!

Tổng đài tư vấn & đặt lịch: 028 3620 3789

Địa chỉ: 41-43 Đường số 3, Cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3, TP.HCM

Thời gian thăm khám:

8h00 - 19h00 (Thứ hai - Thứ bảy)

8h00 - 11h00 (Chủ nhật)



bottom of page